Cầu Cần Giờ với mục tiêu hoàn thành vào năm 2028 sẽ có hình hài ra sao?
Dự án cầu Cần Giờ: Rất cần thiết và cấp bách
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa trình Hội đồng thẩm định TP báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ. Cây cầu bắc qua sông Soài Rạp kết nối huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ, giúp chuyện đi lại của người dân được thuận tiện, để không còn cảnh qua sông phải lụy phà.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án có điểm đầu nằm trên đường 15B theo quy hoạch, cách rạch Mương Ngang khoảng 500m về phía bắc. Còn điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác, cách bến phà Bình Khánh khoảng 2,1km về phía nam. Dự án có chiều dài khoảng 7,3km với quy mô 6 làn xe (4 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp).
Cầu Cần Giờ có sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 11.087 tỉ đồng (bao gồm lãi vay), trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 2.228 tỉ đồng. Dự án được đề xuất thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Về cơ cấu nguồn vốn, ngân sách TP góp khoảng 49,63%, nhà đầu tư 50,37%. Công trình được đặt mục tiêu khởi công vào năm 2025 và hoàn thành năm 2028.
Huyện Cần Giờ hiện chưa có đường bộ kết nối trực tiếp với trung tâm. Mặc dù có tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành chạy qua (đang xây dựng), tuy nhiên dự án không có kết nối với hệ thống giao thông của huyện Cần Giờ.
Trong khi đó, nhu cầu giao thông qua phà Bình Khánh ngày càng tăng cao, đặc biệt là các ngày cuối tuần và ngày lễ, Tết.
Vì vậy, tình trạng ùn tắc đã làm ảnh hưởng đến người dân, hoạt động du lịch và hạn chế sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cần Giờ.
Bên cạnh đó, TP cũng đang nghiên cứu dự án cảng trung chuyển quốc tế và khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Do đó, việc xây dựng cầu Cần Giờ thay phà Bình Khánh, kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm cũng như các khu vực lân cận, phục vụ đời sống nhân dân, phát triển du lịch, phát triển kinh tế, xã hội là cần thiết và cấp bách.
Cầu Cần Giờ cũng là một dự án được đặt kỳ vọng về thu hút nguồn lực tư nhân tham gia triển khai các dự án giao thông trọng điểm của TP.
Như Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP, danh mục các dự án, công trình giao thông trọng điểm cấp bách cần khoảng 266.000 tỉ đồng ở giai đoạn 2021-2025. Trong đó, vốn ngân sách TP khoảng 92.000 tỉ đồng (chiếm 34,6%), vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là 174.000 tỉ đồng (chiếm 65,4%).
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, dự án cầu Cần Giờ là dự án quan trọng, rất cần thiết phải đầu tư để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cần Giờ nói riêng và TP nói chung. Khi triển khai theo phương thức PPP sẽ thu hút được nguồn vốn nhà đầu tư tham gia vào dự án khoảng 5.323 tỉ đồng. Đây là số vốn rất cần thiết để giảm áp lực cho vốn đầu tư công trong điều kiện hiện nay.
Dự án thực hiện theo hình thức PPP sẽ có cơ hội lựa chọn các nhà đầu tư tiềm năng, có năng lực tài chính, kinh nghiệm về quản trị, quản lý đầu tư, kinh nghiệm tổ chức triển khai các dự án lớn và sự sáng tạo, sử dụng kỹ thuật tiên tiến của khu vực tư nhân.
Thời gian qua TP đã ưu tiên vốn ngân sách để triển khai hàng loạt công trình giao thông trọng điểm như vành đai 3 TP.HCM, nút giao An Phú, quốc lộ 50... Ngoài cầu Cần Giờ, các dự án vành đai 4 TP.HCM, cầu Thủ Thiêm 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài... được đề xuất triển khai theo hình thức PPP.
Vào tháng 9-2023, HĐND TP đã thông qua danh mục 5 dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT trên các tuyến đường đô thị trục chính như mở rộng quốc lộ 1, 13, 22, nâng cấp trục Bắc - Nam và xây dựng cầu đường Bình Tiên. Các dự án này có tổng vốn khoảng 40.000 tỉ đồng, áp dụng cơ chế của nghị quyết 98.